Nguyên liệu
Nguyên liệu chính
- 500g sườn bò
- 1 gói hủ tiếu Sa Đéc
- 200g củ cải trắng
- 50g hành tím
- 20g gừng
- 1 củ cải trắng
- 50g tỏi
Rau ăn kèm
- Húng quế
- Ngò gai
- Giá đỗ
Lưu ý về nguyên liệu
Nguyên liệu trên chưa bao gồm nguyên liệu làm bò viên. Bò viên có thể mua sẵn để tiết kiệm thời gian. Nếu bạn muốn làm thịt bò viên tại nhà thì xem cách làm tại đây.
Sợi hủ tiếu nên mua hủ tiếu Sa Đéc. Đây là loại hủ tiếu được cho là ngon nhất được làm từ gạo Sa Đéc với nguồn đất và nước có độ Ph ~ 7 nên cho sợi mì dai.
Cách làm
Nấu nước dùng
Nấu nước dùng cho món hủ tiếu bò viên là khâu quan trọng, nó ảnh hưởng đến phần lớn hương vị tạo nên vị ngon ngọt cho món ăn.
Về cơ bản để nước dùng ngọt thì cần ninh xương bò giống như nấu phở bò. Khi ninh xương bò, cần lưu ý một số điểm như sau:
- Xương bò có mùi gây ngái không mấy dễ chịu nên cần được sơ chế kỹ.
- Xương bò ninh càng lâu thì nước dùng càng ngọt.
- Xương bò càng già thì nước dùng càng ngon nhưng đồng nghĩa với việc mất thời gian ninh trong khi phần sườn non bò (phần có sụn và nhiều thịt) thì mềm, dễ ăn và ninh nhanh hơn nhưng nước dùng không ngọt bằng. Tùy điều kiện để bạn lựa chọn phần xương bò để ninh nước dùng.
- Khi ninh xương không nên đậy nắp nồi để nước dùng không bị hôi. Việc này đương nhiên sẽ khiến nước dùng bị cạn nhanh hơn. Chính vì thế mà bạn cần căn chỉnh để dùng 1 lượng nước nhiều hơn mức cần thiết khi bắt đầu ninh. Ví dụ: để thu được 4 lít nước dùng thì sử dụng 6 lít nước.
- Thỉnh thoảng nhớ dùng muôi hớt bỏ lớp bột bẩn nổi bên trên để nước dùng được trong và sạch.
Để ninh nồi nước dùng cho món hủ tiếu bạn bóp xương bò với 1 muỗng muối hạt và 1 muỗng rượu gừng để khử bớt mùi hôi. Kế đến rửa sạch rồi chần qua nồi nước sôi có bỏ 1 muỗng muối khoảng 5 phút rồi vớt ra rửa thêm 1 lần nữa để miếng xương được sạch hơn.
Lúc này mới bắc 1 nồi nước mới khoảng 6 lít và cho xương bò vào ninh lấy nước dùng.
Nướng hành và gừng
Đặt vỉ nướng lên bếp ga rồi cho gừng và hành tím lên nướng cho cháy xém. Bạn cũng có thể nướng bằng lò vi sóng hoặc nồi chiên không dầu.
Dùng dao bóc lớp vỏ cháy bên ngoài của hành và gừng bỏ đi. Củ cải trắng thì nạo nỏ, thái miếng hơi to. Cho cả 3 nguyên liệu này vào nồi nước dùng để ninh cùng.
Làm tỏi phi
Làm tỏi phi (tỏi khô) ngoài cách thái lát mỏng giống như làm hành phi thì còn có thể băm nhỏ dạng hạt với kích thước đều nhau. Đun nóng 1 lượng lớn dầu ăn rồi cho tỏi vào phi thơm đến khi tỏi chín hơi xém vàng thì nhanh tay dùng phới hớt ra để tỏi không bị cháy.
Tỏi phi làm xong thì để riêng, khi ăn rắc lên trên để tăng thêm mùi thơm giống như 1 loại gia vị.
Trình bày và thưởng thức
Nồi nước dùng hủ tiếu sau khi ninh tối thiểu khoảng 90 phút thì vớt bỏ gừng và hành tím đi. Lúc này bạn tiền hành nêm gia vị. Với 4 lít nước dùng có thể nêm:
- 1 muỗng canh muối
- 3 muỗng đường
- 1 muỗng bột ngọt (nếu thích)
- 2 muỗng hạt nêm
- 5 muỗng nước mắm
Có thể gia giảm để phù hợp với khẩu vị mỗi người.
Lúc này cho bò viên vào nấu cùng. Nếu tự làm bò viên thì lúc này cho bò viên vào luộc chín bằng nồi nước dùng luôn cũng được.
Đun sôi 1 nồi nước khác để trụng giá đỗ và hủ tiếu. Dùng vợt (vá trụng mì) để trụng và xóc để hủ tiếu thật ráo nước rồi cho hủ tiếu ra tô. Gắp vài miếng bò viên và thịt sườn bò (củ cải nếu sử dụng) vào. Xếp giá đỗ, hành lá thái nhỏ, tỏi phi, tiêu xay lên trên. Cuối cùng rưới nước dùng đang sôi vào và thưởng thức với húng quế và rau ngò thái khúc.