Tại sao gọi là xôi vò
Trước kia, xôi vò được nấu theo cách nấu chín gạo trước rồi mới trộn với đậu xanh. Khi đó các hạt gạo bị dính vào nhau nên phải dùng tay vò cho tơi ra nên được gọi là xôi vò.
Về cơ bản, cách nấu xôi vò gồm 2 bước là hấp chín đậu xanh sau đó giã nát rồi trộn với gạo nếp và mang đi đồ xôi. Yêu cầu thành phẩm của món xôi là bắt buộc các hạt gạo phải còn nguyên hạt nhưng không sống sượng trong đi đó đậu xanh giã nhuyễn bám đều vào các hạt xôi. Xôi vừa vị không bị nhạt hay mặn cùng với đó là một chút vị ngậy của dầu ăn khi thưởng thức. Riêng cách hấp đậu xanh bạn có thể đọc kỹ hơn ở bài viết này.
Nguyên liệu
- 800g gạo nếp
- 400g đậu xanh chà vỏ
- Dầu ăn
- Muối tinh
Cách làm
Chế biến đậu xanh
Đậu xanh chà vỏ hay còn gọi là đậu xanh nửa hạt đem đãi sạch sau đó mới tiến hành ngâm. Đãi đến khi nước trong không bị đục. Làm tương tự với gạo nếp. Cả 2 nguyên liệu này cần được ngâm với nước lọc từ 6-8 tiếng. Nếu nhà có giỗ thì ngâm gạo và đỗ từ 11h tối hôm trước đến sáng hôm sau là có thể sử dụng.
Gạo nếp nên dùng loại nếp cái hoa vàng là ngon nhất. Ở miền Nam không phổ biến, có thể thay thế bằng nếp sáp hay còn gọi là nếp ngỗng.
Sau thời gian ngâm, vớt đậu xanh ra rửa lại và để thật ráo nước. Tiếp đó trộn đậu xanh với 1 thìa cafe muối tinh rồi tiến hành hấp/đồ bằng chõ/xửng hấp.
Để hấp đậu xanh bạn đổ 1 lượng nước cao bằng 2/3 ngăn dưới của xửng hấp. Đun xôi nước mới dàn đều đậu xanh lên, dùng cán thìa châm 1 vài lỗ nhỏ để hơi nước thoát lên được đều. Để mức lửa nhỏ vừa và hấp khoảng 25 phút là đậu xanh sẽ chín. Kiểm tra độ chín của đậu xanh bằng cách dùng tay miết thử 1 hạt nếu thấy đậu mềm nhuyễn ra là đươc. Các kỹ thuật này cũng áp dụng khi đồ gạo nếp ở bước tiếp theo.
Đậu xanh sau khi hấp chín thì xúc ra cho vào cối để giã nát (giã lúc nóng sẽ nhanh và dễ hơn). Tiếp đó dùng tay vo tròn và nắm chặt lại để viên thành hình quả cam. Lúc này mới dùng dao để thái như thái xôi xéo. Bạn sẽ thu được 1 âu đậu xanh chín khô và tơi.
Đồ xôi
Trước khi đồ xôi hãy đảm bảo gạo nếp ngâm đã được đãi sạch và để khô. Gạo sau khi vớt ra có thể dùng quạt thổi vào để hong khô. Các hạt gạo lúc này có độ ẩm sau khi ngâm chứ không hề bị ướt.
Đem gạo trộn với 1 thìa cafe muối và 1/2 số đậu xanh ở bước trên rồi đem đi đồ.
Cách đồ xôi cũng giống như cách hấp đậu xanh ở trên. Người đồ xôi chuyên nghiệp thường sẽ có 1 tấm màn thưa để bọc gạo lại rồi cho lên chõ để đồ. Việc này giúp cho việc nhấc ra nhấc vào được thuận tiện hơn đồng thời xôi ở xung quanh mép ngoài không bị ứ nước khiến xôi bị nhão.
Đồ xôi được khoảng 7 phút thì bạn mở nắp và dùng đũa đánh đều lên cho tơi rồi đậy lại đồ tiếp. Làm như vậy 5 lần, tổng thời gian đồ xôi lần 1 là khoảng 35 phút.
Hết thời gian đồ bạn tắt bếp và lấy xôi ra cho vào 1 chiếc thố và dùng muỗng đánh tơi xôi. Cùng với đó bạn cho vào 3 thìa canh dầu ăn (nếu có mỡ gà thì càng tốt) và trộn đều để tạo độ bóng cùng với phần đậu xanh còn lại. Lúc này có nhiều đậu xanh hơn nên xôi sẽ có màu vàng rõ ràng hơn.
Đun sôi lại nồi nước và cho xôi vào đồ lần 2 trong 20 phút nữa.
Sau thời gian đồ xôi lần 2, lấy xôi ra và cũng dùng muôi đánh tơi 1 lần nữa. Cho xôi ra đĩa là hoàn thành cách nấu xôi vò đúng chuẩn nhà làm.
Video
Cách làm khác
Cách nấu xôi vò bằng nồi cơm điện?
Mặc dù có thể nấu xôi vò bằng nồi cơm điện nhưng bạn vẫn cần 1 chiếc vỉ/giá để đặt vào trong nồi cơm điện để tránh việc xôi tiếp xúc với nước bởi muốn xôi vò đạt yêu cầu thành phẩm thì bắt buộc xôi phải chín bằng hơi nước chứ không giống cách nấu các món xôi thông thường khác.
Thông tin thêm
Xôi vò ăn kèm với gì?
Xôi vò ăn kèm với chè hoa cau là chuẩn vị truyền thống nhất. Ngoài ra còn có thể ăn chè đậu đỏ, thịt gà quay, thịt gà nướng, giò, chả, trứng chiên...