Bánh hỏi là bánh gì?
Bánh hỏi là bánh gì? Bánh hỏi được làm từ gì và tại sao gọi là bánh hỏi. Mời bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Bánh hỏi là một loại thực phẩm khô màu trắng được làm từ gạo, dạng bánh kết cấu từ nhiều sợi nhỏ đan xen lại với nhau, nằm trong nhóm thực phẩm bún/miến/phở.
Bánh hỏi có quy trình sản xuất khá công phu. Loại bánh này được coi là đặc sản và phổ biến ở Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang và Bình Định - Việt Nam. Ở các tỉnh thành khác bánh hỏi được đóng gói và bán với giá bán khoảng 40.000đ/gói 340g.
Bánh hỏi thường được ăn với mỡ hành và thịt heo. Phổ biến nhất là món bánh hỏi heo quay, heo nướng; bánh hỏi lòng heo (cháo lòng);
Tại sao gọi là bánh hỏi?
Tìm hiểu về nguồn gốc của tên gọi bánh hỏi mời bạn đọc câu chuyện sự tích bánh hỏi được chia sẻ từ THÍCH NGUYÊN NGUYỆN dưới đây:
Một ngày nọ, bên hữu ngạn Sông Ba Hạ, có một gia đình giàu có, làm lễ hỏi cho người con gái duy nhất, tất cả những tá điền, những người làm ruộng rẽ, đều tập trung trong ngôi nhà của Ông Chủ Điền làm bánh, trái, làm thức ăn để chuẩn bị đãi họ nhà trai.
Họ nhà trai là những người khoa bảng xứ An nhơn - Phủ Bình Định, họ đàn gái là một gia đình trâm anh thế phiệt, cả hai họ đều là môn đăng hộ đối, đôi trai tài gái sắc xứng đôi vừa lứa
Họ đàng gái làm bún để đãi, món bún tươi dân gian, dễ nấu, để đãi cả trăm người làm ăn cho dễ trong khi làm việc.
Bà Hai Trề nổi tiếng là người làm bún ngon nhất vùng này, bột gạo được đánh cho chín, rồi lăn tròn và dài, bỏ vô trong ống tre cái rỗng, phía dưới ống tre có một miếng thép, đục những lỗ tròn nhỏ, để bột gạo chạy ra theo những lỗ đó, ống tre được đặt trên miếng ván có một lỗ tròn vừa vặn ống tre, nó giữ ống tre đễ dễ ép bột, có một khúc gỗ tròn vừa lọt trong ống tre đặt lên trên cục bột, một đòn cây dài vắt ngang, ép xuống, bột chảy ra thành cọng, Bà Năm trề vớt những cọng bột đó, bỏ vào nồi nước sôi, nước sôi 2 dội là bún chín, Bà dùng cái vợt, vớt bún ra, nẫu gọi là bún tươi.
Những dụng cụ làm bún năm đó bị lụt lớn trôi mất, Bà Năm Trề không có người, Bà mới nhờ Ông Dư Nhẫn làm lại ống tre ép bún, vì Ông có một con mắt đậu, một con mắt bay, nên ông đục miếng thép lỗ nhỏ rí, khi ép bột, không phải những cọng bún, mà là những cọng bột nhỏ, bỏ vô nồi nước luộc, không thể vớt được, bà liền nghĩ cách khác...
Bà bảo Ông Dư Nhẫn, chẻ tre làm những miếng hấp, Bà ngồi, hứng từng miếng và đem đi hấp, vì bà làm cả đêm, tóc bà vốn bị hói càng hói thêm, người ta đặt tên bánh là bánh bà hói,
Khi ăn bánh bà hói cần phải có cái gì đó bỏ thêm lên trên cho đẹp mắt, họ cắt hẹ, rửa sạch sẽ , bỏ lên trên, bỏ thêm một ít đậu phụng rang, dĩa bánh Bà Hói hoàn thiện ngay trong đêm đó.
Họ đàng trai đi hơn 60 dặm mới đến họ nhà gái, sau những thủ tục hỏi cưới, họ đàng trai được nhà gái đãi cho món bánh lạ, mà trước đó họ chưa được ăn bao giờ, một chút nước mắm đường, với thơm bằm, vậy mà họ đã ăn như chưa từng được ăn.
Sau đó một tháng lễ cưới tổ chức linh đình. Cô Dâu theo nhà chồng về xứ An Nhơn - Phủ Bình Định,vì Bà Năm Trề không có con, Ông Điền Chủ bảo bà đi theo cô dâu ra Bình Định lo cho cô chủ, bánh Bà Hói cũng đi theo về vùng này, từ đó dân Bình Định đặt tên bánh hỏi vì nó được làm trong lễ hỏi.
Xứ Bình Định giàu có, đã lấy món bánh này làm món ăn buổi sáng và phát triển nhanh hơn Xứ Nẫu Phú Yên, vả lại vùng đất An Nhơn nơi nhà họ đàng trai có những giếng nước ngọt, khi ngâm gạo làm bánh, hay nấu nước sôi để luộc bánh, bánh ngon hơn, dai hơn, từ đó Người Bình Định tự nhận bánh hỏi xuất phát từ Bình Định, nhưng thực ra xuất phát từ vùng đồng ruộng Hạ Lưu Sông Ba, Xứ Nẫu, nơi có những cánh đồng lúa bạt ngàn, phì nhiêu.