Khoai tây mọc mầm có ăn được không?
Khác với khoai lang, khoai tây mọc mầm được khuyến cáo là không nên ăn vì có chứa chất độc, việc ngộ độc khi ăn khoai tây mọc mầm là đã từng xảy ra thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Khoai tây mọc mầm
Chất độc trong khoai tây mọc mầm là gì?
Về bản chất, trong thành phần dinh dưỡng của khoai tây luôn có 1 hàm lượng chất glycoalkaloid nhỏ. Chất glycoalkaloid cũng có trong cà chua và cà tím. Nếu hấp thụ 1 lượng glycoalkaloid nhỏ vào cơ thể sẽ mang lại những lợi ích tích cực cho sức khỏe như tăng sức đề kháng, hạ đường huyết, hạ cholesterol... nhưng nếu hấp thụ 1 lượng lớn, chúng sẽ trở nên độc hại.
Khi bảo quản khoai tây ở môi trường có độ ẩm cao, khoai tây sẽ bắt đầu mọc mầm. Củ khoai tây sau khi mọc mầm sẽ chứa 1 lượng lớn chất glycoalkaloid. Đây là lý do vì sao khoai tây mọc mầm lại có thể khiến bạn ngộ độc nếu ăn quá nhiều.
Tùy theo lượng glycoalkaloid hấp thụ vào cơ thể nhiều hay ít mà người bị ngộ độc có thể có những triệu chứng từ nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng đi ngoài đến hạ huyết áp, đau đầu, sốt, tim đập nhanh, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Phụ nữ mang thai nên tránh ăn khoai tây mọc mầm vì chúng làm tăng nguy cơ gây dị tật bẩm sinh (theo 1 số nghiên cứu khoa học).
Chât glycoalkaloid trong khoai tây mọc mầm tập trung chủ yếu ở mầm và lá. Mầm càng lớn chất glycoalkaloid càng nhiều, nhất là những mầm đã ra lá có màu xanh. Cắt bỏ phần này sẽ giúp việc sử dụng được an toàn hơn. Bên cạnh đó, việc chế biến như chiên, rán cũng làm hàm lượng glycoalkaloid giảm xuống trong khi việc luộc hay hấp lại không có tác dụng.
Để đảm bảo an toàn, các chuyên gia khuyên bạn nên vứt bỏ khoai tây đã mọc mầm, đặc biệt là những củ đã mọc lên mầm to, ra lá, có màu xanh. Nếu không, hãy đảm bảo cắt bỏ phần mầm khoai tây và chế biến thành những món khoai tây bằng phương pháp chiên/rán.